Doanh nghiệp cơ khí cần liên kết tăng hiệu quả chuỗi sản xuất
Doanh nghiệp cơ khí cần liên kết tăng hiệu quả chuỗi sản xuất

Mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu

Theo báo cáo của VAMI, sau hơn 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí, đến nay ngành đã sản xuất được các loại máy cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, sản xuất láp ráp ôtô với tỷ lệ nội địa hóa 40%, tỷ lệ nội địa hóa xe máy đạt từ 85% – 95%…

Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa làm chủ được việc thiết kế đối với những dự án có độ phức tạp cao, máy công cụ, máy động lực, máy xây dựng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu trong nước. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện vẫn do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu.

Ông Phan Tử Giang- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí – chia sẻ, hiện khó khăn lớn nhất trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cơ khí là do liên kết giữa các DN còn rất lỏng lẻo. Các đơn vị có thể sản xuất được các chi tiết và linh kiện, nhưng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì chưa thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Thụ- Chủ tịch VAMI – cũng cho biết, ngoài hai ngành chính là cơ khí lắp ráp thiết bị nâng hạ, lắp ráp ôtô và đóng tàu thủy được đầu tư mạnh nên phát triển nhanh chóng, lĩnh vực chế tạo máy do ít được đầu tư nên vẫn chậm phát triển.

Trong khi đó, nhập siêu ngành cơ khí tương đối lớn, giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2006 là 6,6 tỷ USD; năm 2012 là 16,04 tỷ USD).

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương):

Bộ Công Thương sẽ phối hợp, bộ, ngành khác xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trong thời gian sớm nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Liên kết để tăng hiệu quả chuỗi sản phẩm

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam (tháng 4/2014) , Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, các DN cơ khí cần xây dựng lại mô hình sản xuất theo hướng liên kết “các nhà”, phải vận động theo hướng thị trường, nghĩa là cạnh tranh thực sự, trở thành “mắt xích” trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để liên kết tăng hiệu quả chuỗi sản phẩm, theo ông Nguyễn Văn Thụ, hiện các DN thành viên trong VAMI đã phối hợp với nhau để cung ứng và hợp tác thực hiện các dự án có khối lượng lớn, nhiều hợp đồng sản xuất – kinh doanh đã được triển khai. Đơn cử như các DN quốc phòng Z17, Z25, Z179… đã liên kết cung cấp các loại bánh răng, chi tiết sản phẩm gia công kim loại cho các DN cơ khí thành viên là Vinaxuki, Sveam.

Ông Thụ khẳng định, vấn đề liên kết để tăng hiệu quả chuỗi sản phẩm cơ khí là một trong những mục tiêu được các thành viên VAMI đặt ra. VAMI đã chủ động thành lập các ban chuyên ngành cơ khí, như: Ban ôtô; ban tàu thủy; ban công nghiệp phụ trợ. Theo đó, việc xây dựng liên danh tổ hợp nhà thầu cũng được nhiều DN tự nguyện tham gia để cùng nhau tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm.

Trên cơ sở tăng cường liên kết giữa các DN cơ khí, ông Phạm Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) – cũng cho rằng, thời gian tới, VAMI cần tập trung đầu tư chiều sâu sản xuất thiết bị đồng bộ, đặc biệt chú trọng thực hiện chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2015, theo chương trình nội địa hóa mà VAMI đề xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1791/QĐ-TTg.

Theo Báo Công Thương